
(TED.COM)
Qua các bài phát biểu ấn tượng trên TED.COM, bạn có thể học được rất nhiều điều để có những bài phát biểu thành công. Entrepreneur đã nghiên cứu và tổng hợp 7 bí quyết để có bài diễn thuyết trước công chúng đầy cuốn hút và truyền tải cảm hứng và thông tin một cách hấp dẫn.
1. Không nói ngay lập tức
Bạn không nên nói khi đang đi lên hoặc ngay khi vừa bước lên trên bục thuyết trình vì điều đó thể hiện chút gì đó lo lắng, sợ hãi.
Thay vào đó hãy bình tĩnh bước lên trên trước các khán giả. Hít một hơi thở sâu. Xác định vị trí đứng phù hợp và đợi vài giây rồi mới bắt đầu. Điều đó khiến cho các khán giả nghĩ bạn hoàn toàn tự tin và đang làm chủ tình huống.
2. Thể hiện sự cung cấp thông tin chứ không phải nhận thông tin
Thông thường mọi người có buổi thuyết trình để nhằm bán sản phẩm hoặc các ý tưởng, để khiến mọi người theo dõi họ trên mạng xã hội, để mua sách của họ,.. Những người thuyết trình dạng này được coi là “người nhận”, và thường không nhận được sự gắn kết chặt chẽ với khán giả.
Các khán giả có xu hướng tin tưởng những “người cho” hơn là những “người nhận”. “Người cho” là những diễn giả thể hiện rằng họ đang đem đến cho khán giả những giá trị nào đó, hướng dẫn họ làm điều một điều mới hay truyền cảm hứng cho họ.
3. Tạo sự giao tiếp mắt với các khán giả
Việc nhìn lướt qua hay chỉ nhìn vào một số khán giả đều không tốt, vì khi bạn đang nhìn tất cả mọi người thì thực tế là bạn đang mất sự giao tiếp với các khán giả của bạn.
Sẽ là tốt hơn và hiệu quả hơn nếu bạn nhìn trực tiếp vào một số khán giả cụ thể trong quá trình trình bày. Nếu có thể, hãy dành cho mỗi khán giả khoảng thời gian giao tiếp bằng một câu nói hoặc suy nghĩ mà không làm gián đoạn ánh nhìn của bạn. Khi bạn kết thúc một câu, di chuyển sự giao tiếp bằng mắt sang một khán giả khác và giữ sự giao tiếp bằng mắt với từng cá nhân cho tới khi bạn hoàn thành bản diễn thuyết.
Với cách giao tiếp này, bạn đang có cuộc hội thoại với khán giả. Không phải bạn đang nói chuyện về họ mà bạn đang nói chuyện với họ. Cách thức này không chỉ tạo ra một sự kết nối sâu hơn với các cá nhân mà còn khiến toàn thể khán giả cảm nhận được điều đó.
4. Nói chuyện chậm một cách khác thường
Khi bạn bị căng thẳng, nhịp tim bạn đập nhanh hơn. Và những lời nói của bạn cũng có xu hướng nhanh hơn.
Các khán giả có xu hướng kiên nhẫn và sẵn sàng chờ đợi bạn, vì vậy không nên nói một cách vội vàng. Tuy nhiên cũng không nên nói quá chậm khi thuyết trình.
5. Bỏ qua những người nói không
Hãy cho qua những người có vẻ không hài lòng, khoanh tay trước ngực hay lắc đấu nói không. Thay vào đó hãy tập trung vào những người ủng hộ bạn – những người có sự gắn kết, thích thú với bài thuyết trình của bạn. Nếu bạn nhận thấy có các thành viên khán giả đang tương tác có tính tích cực với bạn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và thoải mái hơn so với việc cố gắng thuyết phục những người không có thiện cảm.
6. Chuyển sự căng thẳng thành sự hứng thú
Có một ví dụ khi tác giả bài viết theo dõi một số cuộc phỏng vấn các vận động viên Olympic trước và sau cuộc thi. Khi được phóng viên hỏi: “Bạn có cảm thấy căng thẳng không?”, tất cả các vận động viên có cùng một câu trả lời: “Không, tôi thấy rất hào hứng.” Các vận động viên này bản thân họ đang căng thẳng nhưng họ lại luôn tự trấn an bản thân là cần phải tỏ ra đầy hứng khởi với cuộc thi.
Khi bạn đang đứng trên bục thuyết trình, bạn cũng đang ở trạng thái tương tự các vận động viên. Vì vậy hãy tự nhủ “Tôi không căng thẳng. Tôi cảm thấy rất hào hứng.” Việc tự nhủ như vậy sẽ tạo ra một tác động phi thường trong việc giúp bạn thay đổi thái độ của bạn về điều bạn đang thực hiện.
7. Nói cảm ơn khi bạn kết thúc bài diễn thuyết
Những tràng vỗ tay là một món quà, và khi nhận được món quà bạn cần thể hiện lòng biết ơn của bạn. Các khán giả đã dành cho bạn thời gian của họ để lắng nghe bạn, tán thưởng bạn, vì vậy lời nói “Cảm ơn” thể hiện sự biết ơn các khán giả.
Gia Bảo (Theo Entrepreneur)